image banner
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

QUÁ TRÌNH KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, TẠO LẬP XÓM LÀNG, XÂY DỰNG CUỘC SỐNG MỚI VÀ TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH CỦA NHÂN DÂN BÌNH HOÀ TRƯỚC KHI CÓ ĐẢNG CỘNG SẢN RA ĐỜI.

          1- Quá trình định cư khai phá:

Theo ghi nhận của thư tịch lịch sử, cho đến đầu thế kỷ XVII (17), cả vùng đất Nam bộ nói chung, trong đó vùng đất Bình Hoà ngày xưa (ngày nay là hai xã Bình Hoà Bắc- Bình Hoà Nam) vẫn còn là một vùng đất hoang sơ, chưa có người khai phá. Khắp nơi toàn là rừng rậm, đầm lầy, các loại cây: tràm, bần, mắm, đước, cóc kèn, ô rô, năng, bàng, đưng, lau sậy…mọc um tùm và nhiều thú dữ.

Mùa Xuân năm Mậu Dần thứ 8 (1698) chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất Lễ Thành hầu- Nguyễn Hữu Cảnh đi kinh lược vùng đất phía Nam. Lúc bấy giờ người Việt ở phía Nam lên đến khoảng 4 vạn hộ. Nguyễn Hữu Cảnh lập đất Đông phố làm phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long, dinh là Trấn Biên (Biên Hoà); xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dinh là Phiên Trấn (Gia Định); bổ nhiệm quan lại cai trị, đánh dấu một bước ngoặc lịch sử trong việc xác lập đơn vị hành chính đầu tiên trên đất Nam Bộ ngày nay. Vùng đất Bình Hoà thuở ấy nằm trong huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn (Gia Định).

Bước vào đầu thế kỷ XVIII (18), cùng với quá trình khai hoang, mở đất lập làng diễn ra ở khu vực Nam bộ, những cư dân từ miền Bắc, miền Trung theo quá trình “Nam tiến” vào khẩn hoang, lập ấp ở xứ Đồng Nai, Bến Nghé ngày càng đông. Họ bắt đầu men theo sông Vàm Cỏ Đông lên phía thượng nguồn rồi toả ra các khu vực thuộc địa phận  Bến Lức-Thủ Thừa- Đức Hoà- Đức Huệ, trong đó có địa bàn xã Bình Hoà Nam ngày nay.

Với địa hình là khu vực đất ven sông Vàm Cỏ Đông có nhiều thuận lợi nên nhiều cư dân đến trú ngụ và khai khẩn vùng đất mới. Trong buổi đầu khai phá, các cư dân đến đây hầu hết là những người nghèo phiêu bạt, phương tiện sản xuất thiếu thốn. Với số đất khai thác ban đầu rất ít ỏi, người nông dân đã tiến hành bắt tay vào sản xuất nông nghiệp một cách sáng tạo theo điều kiện thiên nhiên ở vùng đất mới. Tuy khai hoang, mở đất rất gian khổ nhưng bù lại, đất đai phì nhiêu, cùng với sự lao động cần cù sáng tạo, người dân đã sớm tạo ra những thửa ruộng tốt tươi, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tiêu dùng tại chổ và sau đó góp phần cung cấp, trao đổi hàng hoá  với các khu vực lân cận. Đặc biệt vùng đất Bình Hoà ở vị trí ven sông Vàm Cỏ Đông và có nhiều kênh rạch, đầm, trấp lầy tự nhiên nên nghề đánh, bắt cá lúc bấy giờ rất phát triển.

Từ những năm giữa thế kỷ XVIII (18) trở đi, do tình hình chiến tranh giữa nhà Nguyễn ( Nguyễn Ánh) với  Tây Sơn ( Nguyễn Huệ) nên đợt khai phá đất đai thời gian này, ngoài những người nông dân còn có cả một bộ phận binh lính của nhà Nguyễn. Theo sách Đại Nam thực lục (tiền biên) thì quân lính của nhà Nguyễn đã đến khai phá ở vùng đất Long An ngày nay. Sách Đại Nam thực lục đã ghi lại rằng, tháng 9 năm 1790, Nguyễn Ánh cho đặt Sở Đồn Điền, rồi “ lệnh cho các đội túc trực và các vệ thuyền tung quân ra vỡ ruộng… đặt tên là trại đồn điền, cấp cho trâu,bò, điền khí và thóc ngô, đậu giống” trên vùng đất Long An.[1]

Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công cuộc khai hoang, làng xóm ngày càng đông đúc. Cho nên, sau khoảng một thế kỷ khai phá ( từ giữa thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII) diện mạo của vùng đất Bình Hoà về cơ bản đã hình thành.  Năm 1802 khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long, làng được xác lập như là một đơn vị hành chính cấp cơ sở trong bản đồ hành chính vùng đất Nam bộ của triều đại nhà Nguyễn. Vùng đất Bình Hoà Nam, Bình Hoà Bắc ngày nay, thuở ấy tên gọi là làng Bình Hoà gồm các thôn (ấp): Bình Phú, Thanh Hoà, Thanh Sơn, ấp Chánh, An Hoà, Tân Hoà, Hoà Tây. Làng Bình Hoà là một trong 76 làng của tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An, thành Gia Định và nằm trong địa giới hành chính này cho đến khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam thì việc phân bố địa giới hành chính có sự thay đổi.

2- Những thay đổi về địa giới hành chính:

Sau khi thiết lập xong bộ máy cai trị ở Nam Kỳ, ngày 05 tháng 6 năm 1867, người Pháp ra Nghị Định lập 6 tỉnh Nam Kỳ gồm: Sài Gòn, Mỹ Tho, Biên Hoà, Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên thành 24 Khu tham biện. Riêng vùng Gia Định lúc bấy giờ trở thành tỉnh Sài Gòn và được phân thành 7 khu tham biện gồm: Sài Gòn, Chợ lớn, Phước Lộc, Tân An, Tân Hoà, Tây Ninh và Quang Hoá. Thời gian này, thực dân Pháp rất chú trọng đến cấp tổng. Vì vậy, chúng lập thêm một số tổng mới. Làng Bình Hoà bấy giờ, thuộc Tổng Cửu Cư Thượng, huyện Tân Long, Khu tham biện Chợ Lớn.

Năm 1877, Tổng Cửu Cư Thượng được trả về cho huyện Cửu An, làng Bình Hoà thuộc tổng Cửu Cư Thượng, huyện Cửu An, khu tham biện Tân An.

Ngày 20 tháng 10 năm 1899, người Pháp thay chế độ tham biện bằng chế độ tỉnh trưởng, Khu tham biện Tân An thành Tỉnh Tân An ngày 01/01/1900.

Năm 1920, huyện Cửu An đổi tên thành quận Thủ Thừa. Làng Bình Hoà thuộc Tổng Cửu Cư Thượng, quận Thủ Thừa, tỉnh Tân An.

Trong thời gian từ 1945 - 1954 về phía địch không có sự thay đổi về địa giới hành chính. Về phía cách mạng: vào năm 1947, làng Bình Hoà được tách ra để thành lập 2 xã mới (đó là xã Bình Hoà Nam và Bình Hoà Bắc ngày nay).

Ngày 29/9/1948, Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ ra Nghị định số 342/NĐ-NB, tách những xã: Thạnh Lợi, Bình Hoà, Mỹ Thạnh Đông, Bình Thành ra khỏi quận Thủ thừa, tỉnh Tân An để thành lập một khu vực đặc biệt, sát nhập vào chiến khu 7 và lấy tên là “Khu Đông Thành”.

Ngày 12 /5/ 1949 Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ ra Nghị định số 156/NĐ, sát nhập các xã Bình Hoà, Thạnh Lợi, Mỹ Quý, Mỹ Thạnh Đông và một phần phía Tây Bắc làng Bình Thành, lấy kinh ngang làm ranh giới, sát nhập vào tỉnh Chợ Lớn. Khu Đông Thành tạm coi như  một huyện của tỉnh Chợ lớn, đổi tên là huyện Đông Thành.

Năm 1951, huyện Đông Thành sát nhập với huyện Đức Hoà, lấy tên là huyện Đức Hoà Thành, thuộc tỉnh Gia Định Ninh. Sau hiệp định Giơnevơ (1954), huyện Đông Thành được tách ra khỏi Đức Hoà và nhập vào huyện Thủ Thừa, tỉnh Tân An.

Về phía địch:Ngày 20 tháng 10 năm 1956, Tổng thống nguỵ quyền Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh 143/NV, sát nhập tỉnh Tân An và tỉnh Chợ Lớn thành tỉnh Long An. Lúc bấy giờ xã Bình Hoà Nam thuộc quận Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Ngày 03 tháng 3 năm 1959, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh số 48/NV/PTT thành lập quận Đức Huệ, cắt 5 xã phía Bắc của quận Thủ Thừa (các xã thuộc huyện Đức Huệ ngày nay) và 3 xã của quận Đức Hoà (An Ninh, Lộc Giang, Hiệp Hoà). Theo sắc lệnh này xã Bình Hoà Nam thuộc địa giới hành chính quận Đức Huệ.

Ngày 15 tháng 10 năm 1963, để ngăn chặn hành lang chiến lược của cách mạng từ biên giới Việt Nam- Campuchia vào vùng Sài Gòn - Chợ lớn, ngụy quyền lại cắt quận Đức Hoà, Đức Huệ của tỉnh Long An và quận Trảng Bàng của tỉnh Tây Ninh, quận Củ Chi của tỉnh Gia Định để thành lập tỉnh Hậu Nghĩa. Từ đó đến năm 1975 xã Bình Hoà Nam thuộc địa giới hành chính quận Đức Huệ, tỉnh Hậu Nghĩa. Tuy nhiên, về phía cách mạng xã Bình Hoà Nam vẫn thuộc quận Đức Huệ, tỉnh Long An.

 Sau khi nước nhà thống nhất, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 20/12/1975 về việc điều chỉnh hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam, ngày 03 tháng 3 năm 1976, Hội đồng Nhà nước CHXHCN Việt Nam ra Quyết định sáp nhập tỉnh Long An, tỉnh Kiến Tường và một phần tỉnh Hậu Nghĩa ( quận Đức Hoà, Đức Huệ) thành tỉnh Long An. Từ đó đến nay, xã Bình Hoà Nam thuộc huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. 

Nhìn lại quá trình lịch sử cho thấy trong khoảng hơn hai thế kỷ trôi qua, những lớp nông dân nghèo từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc phiêu dạt vào khai phá,  lập làng, lập ấp khẩn hoang vùng đất Nam bộ. Từ thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, các cư dân xưa đã bỏ biết bao công sức, xương máu để khai dựng cơ nghiệp, lập nên làng xã, trong số cư dân đó có một bộ phận đã lập nên vùng đất Bình Hoà Nam ngày nay. Với truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, với ý chí quyết tâm chinh phục thiên nhiên để tạo lập cuộc sống, những lớp cư dân đến vùng đất Bình Hoà Nam đã nổ lực khai phá, cải tạo biến một vùng đất hoang du, rừng rậm, đầm lầy trở thành vùng đất mới rộng lớn, phì nhiêu. Chính trong quá trình chinh phục thiên nhiên để tạo lập cuộc sống, những đức tính cần cù, chịu đựng khó khăn gian khổ, kiên cường, bất khuất của cư dân Bình Hoà dần dần được bồi đắp, làm nảy nở thêm những tình cảm tốt đẹp trong quan hệ giữa những người cùng cảnh ngộ nghèo khổ, phải phiêu bạt để lao động kiếm sống; đó là những con người trọng tình, trọng nghĩa, sống thuỷ chung, cùng nhau chia sẽ ngọt bùi, gian khổ…Những đức tính tốt đẹp ấy đã hun đúc thành phẩm chất truyền thống của người dân Bình Hoà trong suốt những chặng đường đi khai hoang, mở đất và cả trong công cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị của giai cấp địa chủ phong kiến bóc lột cũng như trong công cuộc đấu tranh chống  thực dân Pháp, đế quốc  Mỹ xâm lược sau này.



[1] Đại Nam thực lục, tiền biên, NXB Khoa học Xã hội, tr 125.

 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh